Nhịp sống hiện đại hối hả, cạnh tranh, đầy thách thức tạo ra áp lực nặng nề lên cả tinh thần và thể xác qua biểu hiện stress. Theo y học, stress là phản ứng của cơ thể cho thấy hệ thần kinh đang ở trong tình trạng căng thẳng, là dấu hiệu báo động sự quá tải của hệ thần kinh cũng như của cơ thể. Stress thường biểu hiện qua các dấu hiệu: mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt, đau dạ dày, buồn nôn, chán ăn hoặc ăn nhiều hơn, nổi mề đay, bị bệnh thông thường nhưng chữa lâu hết, mất hứng thú với các hoạt động, cáu gắt, lo lắng, mất tập trung, trở nên trì trệ,…Các triệu chứng này đến hoặc đột ngột rất nặng hoặc nhẹ nhưng kéo dài liên tục, không rõ nguyên nhân về thể chất. Bruce McEwen nói về các mối liên hệ giữa stress và bệnh: -Sai lệch về chức năng miễn dịch, đẩy nhanh di căn ung thư; -Làm gia tăng và dễ bị tổn thương vì nhiễm virus; -Tăng các mảng gây ra chứng vữa động mạch, dẫn tới nhồi máu cơ tim; -Xuất hiện và phát triển bệnh tiểu đường; -Làm trầm trọng thêm hen xuyển; – Loét cơ quan tiêu hóa, viêm ruột kết và viêm đường ruột; -Hệ thần kinh bị xoáy mòn vì những suy nghĩ nặng nề.
Về thực chất, stress là một trong số cơ chế bảo vệ cơ thể, nhắc con người phải nghỉ ngơi, thay đổi thái độ sống và cần có những phản ứng thích hợp để lấy lại trạng thái cân bằng, điều chỉnh cảm xúc theo hướng tích cực để tránh dồn thêm áp lực lên não bộ. Vấn đề là con người thường ít khi chịu lắng nghe lời cảnh báo của cơ thể và không biết cách ứng phó khi bị stress, nên stress càng nặng thêm, có khi dẫn đến trầm cảm. Điều quan trọng là cần hiểu biết về stress, nhận biết những biểu hiện của stress cũng như cách ngăn ngừa và phản ứng giải tỏa stress trong từng trường hợp để khôi phục sự cân bằng và năng lực tư duy tích cực.
Biện pháp chủ yếu để ngăn ngừa và vượt qua stress là không cố miễn cưỡng làm việc mà bản thân chán ghét, luôn sắp xếp hợp lý thời gian và thứ tự ưu tiên của công việc và nghỉ ngơi để cân bằng các hoạt động thể lực và tinh thần của mỗi người. Điều đó giúp chủ động thực hiện tuần tự các công việc theo kế hoạch với mục tiêu rõ ràng, phù hợp với sức khỏe và năng lực của mình, tránh áp lực quá tải, mất phương hướng. Việc quản lý tốt thời gian và tiêu hao năng lực hợp lý, không để công việc lúc thư thả, lúc dồn lại, mà vẫn đạt được hiệu quả mong muốn sẽ giúp tạo sự thoải mái trong cuộc sống.
Mặt khác việc quản lý và ngăn ngừa stress cũng đòi hỏi một nếp sinh hoạt lành mạnh với tinh thần lạc quan, vui vẻ, với chế độ dinh dưỡng cân bằng và thời gian nghỉ ngơi, thể thao, giải trí hợp lý. Những mối quan hệ tích cực, tốt dẹp, hạnh phúc gia đình rất có ích để ngăn chặn stress và mang lại sự cân bằng trong cuộc sống. Biết làm chủ cảm xúc để kiềm chế những cảm xúc tiêu cực, nhất là sự nóng giận, ganh ghét, thù hận bọc phát và hướng đến những điều tích cực là kỹ năng quan trọng để ngăn chặn stress. Đặc biệt cần cảnh giác, bình tĩnh ứng phó với những lúc công việc và khó khăn xảy ra dồn dập để điều chỉnh tâm trạng của mình.